26/04/2025
Ở tuổi 50, cô Chung phải bán đi căn nhà duy nhất để chữa bệnh cho cháu. Năm nay 63 tuổi, tất cả tài sản chỉ là hai đứa cháu mà đứa lớn, dù đã 14 tuổi, vẫn không thể nghe, không thể nói. Ước mơ của bà ngoại là mỗi ngày tích cóp một chút hy vọng cho các cháu…
Hơn 14 năm trước, cô Phạm Thị Chung cũng có một gia đình trọn vẹn như bao người ở Bến Cát, Bình Dương, có chồng, có con trai, con gái, thậm chí có cả con nuôi và ngôi nhà cấp 4 dựng trên mảnh đất vườn cha mẹ chia cho. Thu nhập của gia đình khi ấy trông vào quán cơm nhỏ xíu nhưng cũng là tạm đủ. Rồi mọi sự đã thay đổi theo cách bà chẳng ngờ đến. Đầu tiên là chồng mất. Rồi hai người con lập gia thất. Con trai về sống nhà vợ. Con gái thì suy sụp khi đứa con trai mới sinh đã có khối u trên xương sống. Nó chèn ép các dây thần kinh và phải cắt bỏ thì đứa trẻ mới đi lại được. Cô buộc phải bán căn nhà, thứ tài sản duy nhất có giá trị, để cứu cháu. Số tiền hơn 100 triệu ấy chỉ đủ để phẫu thuật và thuốc men trong khi di chứng thì vẫn còn đó - cháu của bà đã không thể nghe, không thể nói. Vài năm sau, cô con gái nuôi cũng sinh một bé gái nhưng bởi sinh khó mà sản phụ đã qua đời. Gia đình cha đứa bé không nhận, cô Chung lại đưa cháu về nuôi.
Bà ngoại là người mẹ thứ hai, luôn kiên nhẫn với bé, từ những việc nhỏ nhất
Giờ đây, trong phòng trọ rộng 10m2 tại khu phố 6, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương này, một ngày mới của nhà cô Chung bắt đầu từ 6h sáng. Khi chị Thuỷ, người con gái, đi làm thì cũng là lúc cô Chung bắt đầu vệ sinh, chăm sóc cho từng đứa cháu. Với chúng, cô vừa là bà ngoại, vừa là mẹ. Đúng 7h sáng, trên chiếc xe đạp nhỏ bé, cà tàng, cô đưa cháu gái đến trường rồi lại vội vã quay về cho cháu trai ăn sáng. Ăn xong, cũng trên chiếc xe đạp ấy, hai bà cháu lại đi giao sữa chua cho những người đã đặt hàng. Hôm nào không làm sữa thì làm các loại bánh dân gian cho mấy cửa hàng ăn vặt. Hoặc giả có ai kêu dọn nhà, rửa bát hay bất cứ việc gì có thể, cô không chối từ. Chỉ có điều, đi cùng cô luôn là đứa cháu câm điếc. Dường như rất hiểu chuyện, cậu bé chỉ im lặng đi theo chứ không quậy phá gì. Đó phải chăng là cách cậu chia sẻ với người mẹ thứ hai của mình. Từ sau bữa trưa đến chiều, cô thường chỉ quanh quẩn ở nhà, chuẩn bị cho mẻ sữa chua hay mẻ bánh ngày mai và đợi đến giờ đi đón cháu. Tối mịt, chị Thuỷ mới về đến nhà. Lúc bấy giờ, gia đình mới ăn tối rồi lặng lẽ nghỉ ngơi, mỗi người mỗi góc.
Căn phòng trọ 10m2 của bốn mẹ con, bà cháu nhà cô Chung
Vất vả vậy nhưng thu nhập của cả nhà chỉ hơn 10 triệu/tháng, mà riêng lương công nhân của chị Thuỷ cũng đã 8-9 triệu đồng. Cô Chung, dù quay cuồng với đủ thứ việc thì thu nhập cũng chỉ 3 triệu đồng/tháng. Tổng thu đó chỉ đủ trả tiền trọ, tiền ăn, tiền học hành, tiền thuốc men… Cả nhà không có tích luỹ gì. “Cô thật sự không dám ốm, ốm thì ai lo cho tụi nhỏ? Không biết trời thương được đến ngày nào?”, cô nhiều lần than thở. Có lẽ, cô đã quá hiểu quy luật đời người để biết rằng thời gian không còn nhiều. “Năm nay cô đã 63 tuổi…”
“Cô ấy chỉ mong có được một sinh kế ổn định, sáng bán đồ ăn sáng, chiều bán đồ ăn vặt gì đó, chuối chiên chẳng hạn. Để tích luỹ được đồng nào hay đồng đấy cho tụi nhỏ, phòng khi cô ngã xuống!” Chị Nguyễn Hoàng Gia Bảo Ngọc, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ phường Bình Lợi chia sẻ: “Cô có khả năng nấu ăn tốt!”
Đại diện chương trình Ước mơ xanh trao tặng mô hình sinh kế cho cô Phạm Thị Chung
Một ngày cận hè, cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Thủ Dầu Một, Ước mơ xanh đã tìm đến người bà, người mẹ còn nặng đôi vai ấy. Cùng với đó là một món quà bất ngờ, là toàn bộ mô hình kinh doanh xe bán cơm mà cô vẫn luôn khao khát. Khi nhận những món quà từ Ước mơ xanh, có người bật khóc, có người lặng đi, lại có người đứng trân trân như không tin vào mắt mình nhưng cô Chung là người đầu tiên ôm chầm lấy món quà như thể cô sợ điều gì đó có thể sẽ đem cơ hội tích luỹ cho những đứa cháu ngoại đi mất. Bất chợt, mắt ai cũng muốn rưng rưng …
Khoảng khắc đáng yêu của cô Chung khi ôm chặt lấy chiếc xe như sợ điều gì đó sẽ đem
cơ hội tích luỹ cho những đứa cháu ngoại đi mất
Ước mơ xanh là chương trình hỗ trợ phụ nữ yếu thế khởi nghiệp được F88 triển khai trên toàn quốc. Nếu bên cạnh bạn có những hoàn cảnh phụ nữ yếu thế sẵn sàng khởi nghiệp để thay đổi cuộc đời, hãy liên hệ với chúng tôi:
Khu vực phía Bắc: Anh Dương Phú Khánh - 0968.308.901 - [email protected]
Khu vực phía Nam: Anh Đinh Gia Trung - 0902.58.18.28 - [email protected]
Xem thêm
MỤC LỤC